Bia rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi: cần biết cách thưởng thức để có lợi hơn là có hại!
TĐTS – Ngày 30/12/2023, gần Tết lại nói chuyện dùng rượu bia. Rượu, bia, nói chung có hại nhiều hơn là có lợi, do đó làm thế nào để dùng rượu, bia mà không có hại, đồng thời tận dụng được tối đa khả năng có lợi của chúng là cả một vấn đề lớn và quan trọng. Để làm được điều đó, chúng ta cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố, tập trung vào các khía cạnh khác nhau, trong đó quan trọng nhất phải dựa trên các cơ sở về khoa học, pháp lý và đặc biệt là văn hoá… Trong đó, ở khía cạnh Y học cần đặc biệt được quan tâm hơn.
Thưởng thức bia, rượu dựa trên cơ sở Khoa học, Pháp lý và Văn hóa vị Khỏe Vui Hạnh phúc!
(Uống = Hại; Thưởng thức = Lợi).
Khi xem xét và nghiên cứu về việc dùng rượu, để nhấn mạnh cho tốt đẹp, bao gồm cả khía cạnh ngôn ngũ học, chúng ta không nên nói “uống rượu, bia”, vì nói uống thường là có thể uống nhiều dẫn tới có hại, chúng ta nên nói “thưởng thức”, có ý là dùng vừa phải và phù hợp và loại ngon, có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và đã được kiểm định. Với mục đích đó, từ ý tưởng đến ngôn ngữ và hy vọng trong thực tế đạt được lợi ích tối đa sự tốt đẹp trong việc dùng rượu bia, khai thác vì ích lợi cho sức khoẻ, vì khía cạnh nhân văn hoá tốt đẹp, đặc biệt là ở giác độ y học
Nhấn mạnh lại, hạn chế tối đá tác hại của rượu, bia (không được uống nhiều đến quá nhiều dẫn tới có hại), chỉ nên thưởng thức để có lợi, tất cả nhằm mang lại Khoẻ Vui Hạnh phúc của bản thân, người thân yêu thương và cho tất cả mọi người.
Chúng ta mạn đàm về một số góc độ như sau:
1. Thứ nhất, lợi hại của dùng bia rượu dưới góc độ y học
Lợi:
Dưới góc độ cơ sở khoa học y học, qua các nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng rượu, bia 1 lượng vừa phải hợp lý, đúng mực, và theo khuyến cáo của các chuyên gia khoa học y tế, ở những người khỏe mạnh sẽ có những tác dụng có lợi như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và xơ cứng mạch máu, do rượu góp phần làm tăng nồng độ HDL, một loại mỡ tốt của cơ thể; rượu có thể giúp làm dịu căng thẳng (tạm thời) về thần kinh.
Những lợi ích này thực sự chỉ đúng khi chúng ta dùng với lượng vừa phải hợp lý, còn khi chúng ta sử dụng quá nhiều, lạm dụng rượu bia nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên dẫn tới có hại.
Hại:
* Khi uống quá nhiều rượu dẫn đến:
– Ức chế thần kinh trung ương: mất kiểm soát suy nghĩ và hành vi; rối loạn ý thức và hôn mê ở nhiều mức độ khác nhau; hạ thân nhiệt…
– Tim mạch: tăng huyết áp, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.
– Hô hấp: thở yếu, ngừng thở.
– Tiêu hoá: nôn, viêm dạ dày thực quản, loét, xuất huyết tiêu hoá, rối loạn điện giải; viêm xơ suy tuỵ
– Thận: suy thận, tiêu cơ vân…
– Biến chứng khác: giảm hấp thu, mất nước, hạ đường huyết, chấn thương, tai nạn…
* Khi uống rượu lâu dài dẫn tới: gây nghiện; bệnh não do rượu, bệnh thần kinh ngoại vi; suy tim, giảm miễn dịch; hoại tử chỏm xương đùi; sa sút trí tuệ; đái tháo đường…; ung thư đường tiêu hoá (dạ dày, đại tràng); viêm xơ, ung thư gan và nhiều biến chứng khác; thai lưu, dị tật thai…
* Nồng độ rượu ảnh hưởng rõ rệt tới cơ thể: với ethanol
20-50 mg/dL: mất hoặc giảm khả năng kiểm soát hành vì, lời nói; cảm xúc không ổn định, nói nhiều, hưng phấn; cảm xúc không ổn định, thích giao du…
50 – 100 mg/dL: chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hoà, phối hợp động tác…
100-200 mg/dL: nhìn đôi, mất định hướng, lẫn lộn, giãn mạch
200-400 mg/dL: ức chế hô hấp, tụt huyết áp, mất các phản xạ, hạ thân nhiệt, đái ỉa không tự chủ, hôn mê.
Trên 400 mg/dL: truỵ tim mạch, tử vong.
* Nếu uống phải rượu độc, chứa methanol: Nặng nề hơn nhiều, tổn thương não, mù mắt, suy đa tạng, nhiễm toan, tử vong nhanh chóng.
Tác hại của bia rượu sẽ tăng lên khi nhậu:
– Nhậu nhiều và thường xuyên, uống bia rượu sẽ nhiều hơn.
– Thực phẩm dùng để ăn nhậu thường mất cân bằng dinh dưỡng: nhiều đạm, nhiều mỡ, nhiều muối, ít chất xơ và tinh bột.
– Dùng rượu không rõ nguồn gốc: rượu ngâm (anh túc, cây cỏ không rõ nguồn gốc, củ ấu tàu, pha ma tuý, ngâm phủ tạng; mật, huyết động vật…) có những thành phần có thể gây độc. Ví dụ: opiod dẫn tới hôn mê, ngừng thở, đồng tử co nhỏ; aconitin gây loạn nhịp tim và tử vong; mật… gây viêm gan nhiễm độc…
Lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới hội chứng cai rượu và nhiều tình trạng bệnh lý khác
2. Thứ hai, dùng rượu vừa phải, như thế nào là an toàn?
Đơn vị cồn tiêu chuẩn: để làm căn cứ sử dụng đúng mực.
Các loại rượu (rượu mạnh, rượu vang), bia khác nhau thì có lượng cồn rất khác nhau có thể dao động từ 5% đến 40%, vì vậy để quản lý việc tiêu thụ cồn trong 1 ngày và thuận tiện trong việc đưa ra khuyến cáo, chỉ dẫn sử dụng đồ uống có cồn các quốc gia đã đưa ra khái niệm về đơn vị cồn tiêu chuẩn.
Đơn vị cồn tiêu chuẩn là chứa 10g ethanol nguyên chất (WHO).
Tuy nhiên, định nghĩa về đơn vị cồn tiêu chuẩn có sự khác nhau đáng kể giữa các quốc gia dao động từ 8g đến 20g. Các quốc gia như: Anh, Hàn Quốc là 8g; Úc, Trung Quốc, Nhật, Pháp là 10g; Argentina, Mỹ là 14g; Áo là 20g;…
Khi ta uống rượu, rượu tồn tại trong máu đến khi được gan chuyển hóa hết. Gan cần khoảng 1h để chuyển hóa 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn với nam giới (khoảng 7-14g cồn). Tuy nhiên, các yếu tố như tuổi tác, cân nặng, giới tính và lượng thức ăn, tình trạng gan và bệnh lý… ảnh hưởng đến tốc độ xử lý rượu của cơ thể (Hợp tác nghiên cứu tại Trung tâm Chống độc, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị có liên quan).
Công thức tính lượng cồn có trong thức uống: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79. Ví dụ: một lon bia 330 ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là: Lượng cồn = 330 x 0,05 x 0,79 = 13g.
Một số khuyến nghị cụ thể để an toàn:
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ khuyến cáo rằng người lớn trong độ tuổi uống rượu hợp pháp, uống vừa phải là uống không quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn ở Mỹ tương đương với 14 gam cồn nguyên chất tức 355ml bia 5%, 150ml rượu vang 12% và 45ml rượu mạnh 40%.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo không nên uống quá 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tiêu chuẩn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Khuyến cáo của Việt Nam khắt khe hơn chút so với khuyến cáo của Hoa Kỳ, có thể do thể trạng, cân nặng của người Việt khác biệt theo hướng không nặng bằng người Mỹ.
Trên đây là khuyến nghị lượng rượu, bia có thể sử dụng ở mức an toàn áp dụng cho người khỏe mạnh. Lượng rượu, bia khi sử dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: yếu tố di duyền, khả năng uống rượu, độ tuổi… Đối với những người tuổi cao nên giảm lượng rượu, người có vấn đề về sức khỏe như men gan cao, bệnh gan, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh não và các bệnh lý khác thì giảm lượng rượu so với khuyến cáo và bắt buộc cân có sự tư vấn của bác sĩ.
Cũng cần chú ý, một số người có thể trạng tốt (yếu tố gen, di truyền tốt) thì khả năng dung nạp rượu cũng cao hơn một số người không có yếu tố nêu trên. Do vậy, chúng ta không nên tự so sánh mình với người khác để cố uống bằng họ. Uống bia rượu nói chung, ở góc độ này sẽ phụ hai yếu tố chính đó là: cân nặng, và kinh nghiệm. Nếu hai người có thể trạng giống nhau thì người nào có cân nặng cao hơn thì thường sẽ có khả năng dung nạp lớn hơn. Yếu tố kinh nghiệm sẽ bao gồm yếu tố gen, di truyền, thể trạng và tổng hòa các yếu tố của một con người.
Kiến thức và kinh nghiệm: để tránh những trạng thái nguy hiểm
– Chọn loại bia/rượu, thực phẩm an toàn: rõ nguồn gốc (đã được kiểm định bởi cơ quan quản lý); biết cách phân biệt hàng giả…; (nói ngoài: nếu không rõ cần kiểm định: xét nghiệm, lâm sàng; ưu tiên kiểm định bằng xét nghiệm; kinh nghiệm từ Đội bóng đá PCC fC (Không uống quá; Uống tiết chế: 3 cốc; Rõ nguồn gốc, không rõ thì kiểm tra).
– Chuẩn bị cơ thể: (1) Vật chất: ăn đủ trước, trong và sau uống; giữ ấm, tránh lạnh; (2) Tinh thần: Uống đúng mực, ít; nếu phải lái xe và vận hành máy móc, làm việc trên cao thì không; không uống nếu không kiểm soát được; (3) Kiểm tra tình trạng bệnh lý bởi bác sĩ trước khi uống.
Kỹ năng: đảm bảo tinh tế
– Quan trọng nhất là chúng ta chỉ nên uống một lượng rượu vừa đủ (khuyến cáo ở trên, nên thấp hơn, thưởng thức). Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn… nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
– Chọn các loại rượu có nồng độ cồn thấp, như rượu vang (rượu cao thì pha nhạt đi; rượu brand name độ cao chỉ thưởng thức). Ngoài ra, trước khi uống rượu cần uống đủ nước để giảm khát, vì khát nước khiến bạn uống nhiều rượu hơn.
– Thay vì uống quá nhanh thì có thể uống chậm lại để thưởng thức rượu.
– Nói không với lời mời rượu áp lực. Thực tế nhiều người uống rượu để thể hiện bản thân hay do áp lực từ bạn bè, việc khéo từ chối lời mời sẽ giúp bản thân kiểm soát được lượng rượu trong mỗi bữa ăn. Người mời rượu cũng cần tinh tế, tuyệt đối không ép, không nên “dzô, dzô…”, nâng tầm văn hoá thưởng thức, văn minh.
– Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, lắng nghe cơ thể bạn để đưa ra lối sống phù hợp vị Khỏe Vui Hạnh phúc.
Chỉ định và chống chỉ định: Rượu là 1 loại thuốc, do vậy có cách dùng rõ!
Rượu có thể coi là một dạng thuốc, như vậy cũng cần có chỉ định, chống chỉ định, trong chống chỉ định có loại tương đối và tuyệt đối. Chúng tôi có một số lưu ý sau:
Chống chỉ định tuyệt đối:
1. Phụ nữ có thai và cho con bú: Không có một giới hạn an toàn nào cho việc uống bia, rượu trong thời gian mang thai; uống rượu, bia với bất kỳ liều lượng nào và ở bất kỳ thời điểm nào trong khi mang thai cũng đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Một số nghiên cứu thấy rắng người mẹ uống rượu trong thời gian cho con bú có thể làm giảm khả năng sản xuất sữa, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự phát triển sớm của trẻ; có thể gây dị tật thai.
2. Không sử dụng rượu với aspirin:
Aspirin là thuốc giảm đau, chống viêm. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, một số người đã uống aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”.
Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó, những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quỵ…) thì nên tránh uống rượu.
Hiện tại, chưa có nghiên cứu chính thức nào về thời gian uống rượu thích hợp sau khi dùng aspirin, tuy nhiên lời khuyên cho khoảng thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là 1 ngày. Trường hợp, nếu sử dụng cả aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên cách xa bằng cách uống aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại.
3. Không uống rượu, bia khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào:
Vì rượu có thể tương tác với thành phần của thuốc và gây ra nhiều tác hại tới sức khoẻ và làm nặng thêm tình trạng bệnh, đặc biệt là gây tổn thương nghiêm trọng tới gan. Do đó, cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi uống thuốc và tới gặp bác sĩ để xin ý kiến.
Chống chỉ định tương đối:
4. Không nên uống rượu lúc đói: Vì sẽ làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.
5. Đối với những người mắc các bệnh về gan:
Chỉ một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm nặng tình trạng bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh gan do rượu hoặc xơ gan rượu. Các bệnh về gan nói chung đều gây huỷ hoại tế bào gan, tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều thì lượng men gan giải phóng ra càng nhiều.
AST và ALT huyết thanh tăng cao được xem như một dấu hiệu cho biết rượu đã gây tổn thương cơ quan. Vì vậy, khi tỷ lệ AST/ALT> 1,5, hoặc bất kể men nào trong 3 loại AST, ALT, GGT tăng trên ngưỡng bình thường cho phép, thì đây được coi là dấu hiệu cho thấy rượu là nguyên nhân gây tổn thương gan, khi đó bệnh nhân nên ngừng uống rượu ngay lập tức (giác độ y tế).
Do vậy, chúng ta cần tới bệnh viện kiểm tra định kỳ chức năng gan để sớm phát hiện các thương tổn ở gan. Cũng cần gặp bác sĩ để định hướng chẩn đoán và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
6. Không nên uống rượu/bia với caffeine:
Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Còn caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm.
Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).
7. Không nên uống rượu với đồ uống có ga: Do lượng ga trong đồ uống làm tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.
8. Người mắc bệnh đái tháo đường: Uống rượu có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu, đôi khi làm giảm lượng đường trong máu tới mức nguy hiểm (đặc biệt là với đái tháo đường type 1); rượu kích thích sự thèm ăn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.
9. Bệnh tim mạch nói chung:
Sự tương tác mạnh mẽ giữa rượu và thuốc điều trị tim mạch làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc này. Bản thân rượu cũng có thể làm giảm huyết áp ở một số bệnh nhân. Về mặt lý thuyết, thuốc cao huyết áp và rượu có thể làm nặng thêm tình trạng huyết áp thấp và dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, choáng váng, buồn ngủ, ngất xỉu.
10. Không lạm dụng “thuốc giải rượu”:
Thuốc giải rượu hay giải say có tác dụng hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn, mà nhiều người hay tưởng rằng nó có tác dụng giúp việc say rượu giảm bớt khi đang uống hay ngay sau uống rượu, hoặc giúp tăng “đô” rượu trước khi uống rượu.
Hoàn toàn không có thuốc gì giúp người uống rượu say mèm lại tỉnh táo như không uống gì. Tốt nhất, hãy biết bảo vệ chính mình bằng cách không uống rượu, bia (cho phép thưởng thức).
Trao đổi của các nhà chuyên môn, quản lý và văn hoá… về an toàn sử dụng bia rượu, vì Khoẻ Vui Hạnh phúc
3. Thứ ba, về cơ sở pháp lý:
Ngoài lý do về khoa học sức khoẻ, uống rượu, bia còn chống chỉ định với các trường hợp tham gia giao thông và độ tuổi theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý có phần quan trọng dựa trên cơ sở khoa học. Do uống rượu bia sẽ làm ảnh hưởng tới tình trạng nhận thức của vỏ não và toàn thể não bộ cũng như toàn bộ cơ thể.
Vi phạm nồng độ cồn, lái xe bị phạt như thế nào?
Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy cần: Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Nói dễ hiểu và ngắn gọn hơn đó là đảm bảo tam hợp & ngũ hợp = hợp pháp, hợp lý, hợp tình; hợp qui & hợp cạ (thích quí ai thì mời người đó thưởng thức)).
+ Đặc biệt, không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.
+ Uống rượu: Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…
Gần đây, chúng tôi (cá nhân) rất đồng tình với quan điểm và xử lý nghiêm việc uống bia rượu mà tham gia lái xe của Đảng & Nhà nước, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các cơ quan chức năng, soạn thảo và các vị đại biểu quốc hội đã thông qua; ở giác độ y khoa & con người: góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của từng con người mà lớn hơn là bảo vệ giống nòi của quốc gia, dân tộc; xây dựng văn hoá con người Việt Nam ngày càng có bản sắc tốt đẹp hơn
4. Thứ tư,dưới góc độ văn hoá:
Rượu đã đóng một vai trò trung tâm trong hầu hết các nền văn hóa của con người kể từ thời đồ đá mới (khoảng 4000 năm trước Công nguyên) và cho đến nay nó vẫn được coi là loại đồ uống phổ biến trong hầu hết các dịp lễ, các cuộc gặp mặt hay thờ cúng.
Bên cạnh đó nhiều loại đồ uống có cồn trở thành biểu tượng của bản sắc dân tộc: Guinness cho người Ailen, rượu tequila cho người Mexico, rượu whisky cho người Scotland, ouzo cho người Hy Lạp… Do đó việc uống rượu cũng là để thể hiện sự trân trọng đối với giá trị này.
Để nâng tầm văn hoá thưởng thức bia rượu vị Khoẻ Vui Hạnh phúc, chúng ta cần nhắc: không (nên) uống bia rượu, mà chỉ nên thưởng thức (rượu ngon, lượng hợp để Khoẻ, để Vui và nâng tầm hạnh phúc cho bản thân, người thân yêu thương và tất cả mọi người). Qua đó, hình thành thức uống mang bản sắc Việt Nam Khoa học và Văn hoá, hình thành nét đẹp và văn minh thưởng thức vì những điều tốt đẹp.
Thưởng thức bia rượu hãy Khoa học và Văn minh để chỉ để mang lại Khoẻ Vui Hạnh phúc cho bản thân, những người thân yêu thương và tất cả mọi người.
Có nhiều người hơn hạnh phúc chính là hạnh phúc hơn!
BS. Thiện Lương (sưu tầm và tổng hợp)
PHÒNG KHÁM THUẬN ĐỨC
THUAN DUC HEALTH SCIENCE CENTER
Lương Y Nguyễn Thị Thanh
Khoẻ Vui Hạnh phúc hơn cho mọi người!
Trụ sở chính: Lý Văn, Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương
Cơ sở 2: Khu đô thị Âu Việt, Phía Tây cầu Phú Lương, TP. Hải Dương
Cơ sở 3: Số 28 BT2, Khu đô thị Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội (VPĐD)
Điện thoại: 0912528800; 0912808800
Hotline: 0906008806
Website: www.phongkhamthuanduc.vn
(Quý vị truy cập vào website để đặt lịch khám hẹn trước)