Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng?
TDHSC – Gần đây số bệnh nhân tới Phòng khám Thuận Đức, Lương Y Nguyễn Thị Thanh để được khám, kiểm tra và soi đại tràng có xu hướng tăng lên. Đa phần các bệnh nhân đến khám đều có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, đau bụng, khó tiêu, chán ăn, rối loạn phân, đi ngoài phân có máu… Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân không có biểu hiện gì, chỉ đi khám kiểm tra mà lại phát hiện nhiều bệnh lý đại tràng nặng, trong đó có ung thư đại trực tràng. Vậy, làm thế nào để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng? Bài viết dưới đây phần nào cung cấp thêm thông tin để quý vị và các bạn có thể tham khảo, ngõ hầu tìm ra phương cách đến sớm phát hiện bệnh lý nguy hiểm này cho bản thân và người thân yêu thương trong gia đình.
Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến. Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2012, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ mới mắc đứng thứ năm và tỷ lệ tử vong đứng thứ tư trong các bệnh ung thư cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
Triệu chứng của ung thư đại tràng?
+ Rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa.
+ Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân.
+ Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.
+ Đau bụng thường xuyên.
+ Mệt mỏi thường xuyên.
+ Sút cân không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân không có biểu hiện gì, không cảm thấy bất thường gì trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng?
Các loại ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: hút thuốc, chế độ ăn… nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi, tiền sử gia đình… Việc có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh và ngược lại, một số bệnh nhân bị ung thư nhưng lại không mang yếu tố nguy cơ nào.
Với ung thư đại trực tràng, các yếu tố nguy cơ bao gồm 02 nhóm:
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:
+ Béo phì.
+ Ít vận động thể dục thể thao.
+ Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, gan…) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, thức ăn nhanh, đồ chiên xào…), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (thịt nướng, thịt rán…).
+ Hút thuốc lá.
+ Sử dụng nhiều đồ uống có cồn (rượu, bia…).
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi:
+ Tuổi cao: nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng cao rõ rệt sau 45 tuổi.
+ Tiền sử đã bị polyp (đặc biệt là nhiều polyp) hoặc ung thư đại trực tràng.
+ Tiền sử bị viêm đại trực tràng mạn tính bao gồm cả bệnh Crohn.
+ Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp tuyến đại trực tràng: theo thống kê trong 5 bệnh nhân ung thư đại trực tràng thì sẽ có 1 bệnh nhân có thành viên trong gia đình cũng bị ung thư đại trực tràng, thường gặp nhất là: bố mẹ, anh chị em ruột.
+ Các hội chứng di truyền: 5 – 10% bệnh nhân ung thư đại-trực tràng có các đột biến gen di truyền, phổ biến nhất là các trường hợp bị đa polyp dạng tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis – FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không đa polyp di truyền – hereditary non-polyposis colon cancer – HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi tuổi còn khá trẻ.
+ Chủng tộc và dân tộc: người Mỹ gốc Phi và người Do Thái gốc Đông Âu có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng cao nhất trong các nhóm chủng tộc.
+ Đái tháo đường tuýp 2: bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao và tiên lượng kém hơn khi được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng.
Dự phòng ung thư đại trực tràng:
Không thể dự phòng hoàn toàn nhưng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bằng cách khám sàng lọc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.
Khám sàng lọc ung thư đại trực tràng:
Một polyp đại trực tràng cần thời gian 10-15 năm để có thể phát triển thành ung thư. Do đó khám sàng lọc là vũ khí quan trọng nhất giúp chẩn đoán sớm và điều trị ung thư đại trực tràng. Vài chục năm gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm và một trong những lý do là nhờ việc phát hiện sớm được các polyp và xử lý trước khi chúng phát triển thành ung thư.
Ngoài ra, sàng lọc cũng giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn. Khi đó, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%.
Tại Phòng khám Thuận Đức, mỗi buổi khám có nội soi đại tràng thì hầu như ngày này cũng phát hiện các trường hợp có polyp đại tràng, có trường hợp ung thư, vì vậy việc khám sàng lọc trong đó có nội soi đại tràng là rất quan trọng.
Hình ảnh soi đại tràng khối nghi ngờ ung thư đại tràng tại vị trí đại tràng sigma (Bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng gì, tuy nhiên đã được các bác sĩ tại Phòng khám Thuận Đức kiểm tra marker ung thư thấy tăng và quyết định chỉ định soi đại tràng phát hiện được khối u)
Nội soi tiêu hóa, dạ dày, đại tràng tại Phòng khám Thuận Đức bằng máy soi công nghệ NBI hàng đầu thế giới
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
+ Giảm cân, chữa béo phì.
+ Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên và đều đặn, đúng độ.
+ Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp.
+ Không uống bia, rượu.
+ Không hút thuốc lá.
+ Bổ sung Canxi và Vitamin D.
+ Sử dụng Aspirin và các thuốc Non-steroid khác cũng làm giảm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên các thuốc này gây tác dụng phụ trên dạ dày, do đó cần được sự hướng dẫn của bác sỹ trước khi quyết định sử dụng thường xuyên các loại thuốc này.
+ Liệu pháp hormone cho phụ nữ mãn kinh: dùng estrogen và progesterone sau khi mãn kinh làm giảm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng nhưng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và bệnh lý tim mạch. Do đó cần sự hướng dẫn của bác sỹ về các lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng liệu pháp hormon.
Các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng:
Các phương pháp giúp phát hiện cả polyp và ung thư đại trực tràng:
Nội soi đại tràng sigma ống mềm: là kỹ thuật xâm nhập có thể đánh giá trực tiếp tổn thương và can thiệp sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp.
Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ đại tràng và trực tràng, có thể sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp nếu phát hiện.
Chụp khung đại tràng cản quang: đây là kỹ thuật không xâm nhập, nếu chụp mà phát hiện hoặc nghi ngờ ung thư đại trực tràng thì vẫn phải tiến hành soi đại tràng để chẩn đoán xác định.
Chụp cắt lớp vi tính đại tràng: là kỹ thuật không xâm nhập, dùng trong những trường hợp bệnh nhân không muốn hoặc không thể nội soi đại trực tràng ống mềm. Tuy nhiên không thể sinh thiết khối u hoặc cắt polyp.
Trong các biện pháp tầm soát nêu trên thì soi đại tràng là biện pháp quan trọng và hữu ích nhất có thể sớm giúp chẩn đoán, và bao gồm cả điều trị.
Các phương pháp chỉ để phát hiện ung thư đại trực tràng:
Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal occult blood test): do các polyp lớn và đặc biệt các khối u đại trực tràng có rất nhiều các mạch máu (mạch nuôi). Chúng dễ bị tổn thương khi cọ xát với phân, gây chảy máu vi thể (hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường) và máu này sẽ dính theo phân đi ra ngoài. Đây là xét nghiệm đơn giản, dễ làm với chi phí thấp, có thể tiến hành tại nhà. Tuy nhiên, máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Do đó nếu xét nghiệm dương tính bắt buộc phải nội soi đại trực tràng để chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal immunochemical test): phát hiện hemoglobin protein là thành phần trong hồng cầu của người. Xét nghiệm này còn chưa phổ biến tại Việt Nam.
Xét nghiệm DNA trong phân (stool DNA test): phát hiện các bất thường AND do đột biến gen của các tế bào ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm này cũng chưa được phổ biến tại Việt Nam.
Khuyến cáo về sàng lọc ung thư đại trực tràng:
Đối với người có nguy cơ mắc bệnh trung bình và trên 50 tuổi:
Nội soi đại tràng sigma ống mềm 5 năm/lần.
Nội soi đại tràng 10 năm/lần.
Chụp cản quang kép dùng thuốc thụt barium 5 năm/lần.
Chụp cắt lớp vi tính đại tràng 5 năm/lần.
Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân hàng năm.
Xét nghiệm hóa miễn dịch phân hàng năm.
Xét nghiệm tìm DNA 3 năm/lần.
Nếu kết quả các xét nghiệm này dương tính thì bắt buộc phải nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra.
Đối với người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng:
Những người này nên bắt đầu sàng lọc sớm trước 40 tuổi và tiến hành thường xuyên hơn. Điều này là đặc biệt quan trọng, bạn hãy chú ý dà soát xem bạn có những yếu tố nguy cơ nào như đã nói ở bên trên không, nếu có cần sớm được tầm soát, đặc biệt là soi đại tràng.
Hiện nay, Phòng khám Thuận Đức, Lương y Nguyễn Thị Thanh là một trong các cơ sở đa chuyên khoa có thể thực hiện được nhiều phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng với chất lượng tốt nhất.
Phòng khám Thuận Đức khuyến cáo:
Để tránh những trường hợp phát hiện muộn các bệnh lý, trong đó có ung thư đại trực tràng; Phòng khám Thuận Đức, Lương Y Nguyễn Thị Thanh khuyến cáo bạn cần được (1) Kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng/1 lần để đánh giá tình trạng với người khoẻ mạnh không có bệnh; 3 tháng/lần hoặc ngắn hơn với trường hợp có bệnh mạn tính (thời gian khám ngắn hơn tuỳ thuộc bác sĩ khuyến cáo cho các bệnh lý cụ thể); (2) Nếu có các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh đại trực tràng như trên, người bệnh cần được theo dõi điều trị đúng đắn, trong đó có nội soi đại trực tràng và xét nghiệm máu tầm soát ung thư sớm để mang lại Khoẻ Vui Hạnh phúc. Bạn có thể tới Phòng khám chúng tôi để được khám trực tiếp hoặc liên hệ qua hotline 0906008806 hoặc đặt lịch qua website để lên lịch hẹn trước với bác sĩ.
Dr. Thiện Lương (Sưu tầm và Tổng hợp)
PHÒNG KHÁM THUẬN ĐỨC
THUAN DUC HEALTH SCIENCE CENTER
Lương Y Nguyễn Thị Thanh
Khoẻ Vui Hạnh phúc hơn cho mọi người!
Trụ sở chính: Lý Văn, Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương
Cơ sở 2: Khu đô thị Âu Việt, Phía Tây cầu Phú Lương, TP. Hải Dương
Cơ sở 3: Số 28 BT2, Khu đô thị Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội (VPĐD)
Điện thoại: 0912528800; 0912808800
Hotline: 0906008806
Website: www.phongkhamthuanduc.vn
(Quý vị truy cập vào website để đặt lịch khám hẹn trước)