Ngộ độc khí bóng cười và những hiểm họa
TDHSC – Ngày nay, có rất nhiều hình thức giải trí nhưng không phải ai cũng lựa chọn cho mình những hình thức lành mạnh. Sự thiếu hiểu biết, sự hiếu kỳ muốn thể hiện bản thân đã khiến một bộ phận giới trẻ sử dụng khí cười, một chất kích thích dạng hít được du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm gần đây. Sử dụng bóng cười có nguy cơ đối mặt với nhiều triệu chứng nguy hiểm, có thể liệt nặng và ảnh hưởng đến tính mạng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về triệu chứng, chẩn đoán, xử trí ngộ độc khí cười.
Vậy khí cười là gì?
Bóng cười (Funkyball) là vật dụng có dạng hình quả bóng, bên trong chứa khí dinitơ monoxide N2O (tiếng anh: Nitrous oxide), còn gọi là khí bóng cười. N2O được tìm ra bởi nhà khoa học người Anh Joseph Priestly năm 1772. Nhà hóa học Humphry Davy là người đầu tiên đặt tên “laughing gas” sau khi nhận thấy tác dụng gây ảo giác, hưng phấn gây cười khi hít phải N2O trong một bữa tiệc khí cười của tầng lớp thượng lưu ở Anh năm 1799.
Bình thường, N2O có thể được dùng trong công nghiệp, trong y học để giảm đau trong sản khoa, nha khoa, phẫu thuật và gây mê (năm 1844). Trên thế giới, hiện Ireland (sau sự việc bệnh nhân 15 tuổi tử vong năm 2010 do ngộ độc N2O) và Hàn Quốc đề xuất N2O vào danh mục chất tương tự ma túy. Một số nước như Anh, Nga, Úc chưa liệt kê N2O thuộc nhóm chất ma túy nhưng đã cấm sử dụng và có thể bị phạt hình sự nếu dùng ngoài mục đích y tế. Tại Mỹ, quy định này khác nhau ở từng bang cụ thể. Ở California, sử dụng N2O với mục đích gây kích thích, hưng phấn là một hành vi phạm tội theo Bộ luật hình sự.
Giới trẻ sử dụng khí cười thiếu hiểu biết
Cơ chế tác dụng
Tác động tới hệ thần kinh: tác động tới thụ thể NMDA và alpha-GABA tại vị trí gắn kết với benzodiazepine. Đồng thời ảnh hưởng tới quá trình sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh nội sinh như serotonin-chất tạo cảm giác hưng phấn. Việc giải phóng ra các chất này đã ức chế sự phát sinh cảm giác đau từ não và truyền tín hiệu giảm đau đến cơ quan tiếp nhận dẫn truyền.
Tác động tới chu trình methyl hóa: N2O oxy hóa nhân cobalt của vitamin B12 từ trạng thái 1+ thành 3+ làm bất hoạt methylcobalt dẫn đến mất chức năng cofactor của methionin synthase, từ đó ức chế quá trình chuyển homocystein thành methionin. Vì vậy, nồng độ methionin giảm trong khi nồng độ homocystein tăng cao trong máu. Homocysteine gây độc thông qua cơ chế: tăng các loại oxy phản ứng (ROS) dẫn đến tế bào tự chết theo chương trình và kích hoạt thụ thể NMDA. Methionin là một chất quan trọng trong tổng hợp myelin, giảm methionin dẫn đến tổn thương thần kinh mất myelin bán cấp cả ở trung ương và ngoại vi (SCD myelopathy – subacute combined degeneration myelopathy).
Mặt khác, vitamin B12 tham gia chuyển hóa methylmalonyl CoA thành succinyl CoA, do đó việc dùng N2O dẫn đến ức chế chuyển hóa nên tăng nồng độ methylmalonyl CoA (MMA) trong máu và giảm succinyl CoA trong chu trình hô hấp tế bào.
Ngoài ra, các cytokine (TNF-alpha, sCD40) có thể tác động đến tủy xương gây nhiễm độc tủy xương
Hiện nay, nhiều người lạm dụng khí N2O để có được cảm giác sảng khoái khi ngồi trong quán karaoke, quán bar hay đơn giản trên các quán vỉa hè. Việc sử dụng khí cười có thể bị ngộ độc, phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: (1) Cách thức sử dụng: hít qua bóng bay (8gram N2O trong 1 quả bóng có thể đủ gây hưng phấn trong 4-5 phút), nang hít, dụng cụ đánh kem bông hoặc trực tiếp từ bình chứa; tư thế đứng nguy hiểm hơn tư thế ngồi; (2) Lượng khí sử dụng; (3) Tần suất sử dụng
Ngoài ra, mức độ nặng phụ thuộc vào thể trạng người dùng, các thuốc hoặc chất kích thích khác đồng sử dụng (cần sa, ketamine,…). Tại Trung tâm điều trị thuộc một Bệnh viện lớn tại Hà Nội đã tiếp nhận không ít các ca bệnh ngộ độc N2O. Khoảng 3 năm trở lại đây, tính đến tháng 8 năm 2021 có tổng 151 trường hợp, năm 2019 có số bệnh nhân nhập viện nhiều nhất (81 trường hợp) đối tượng hầu hết là người trẻ tuổi.
Cơ chế ngộ độc khí cười
Tác hại của khí cười đến sức khỏe con người
Sử dụng kéo dài và tăng liều lượng N2O có nguy cơ ngộ độc ở các cơ quan khác nhau, trong đó biểu hiện về thần kinh xuất hiện sớm nhất và nặng nề nhất.
Thần kinh: Chóng mặt; hoảng hốt; ngất xỉu; tê bì; dị cảm; mất thăng bằng; rối loạn cảm giác; rối loạn vận động; yếu liệt các chi; co giật. Khám thấy tăng, giảm hoặc mất phản xạ gân xương; giảm hoặc mất cảm giác rung; dấu hiệu Romberg; dấu hiệu Lhemitte. Những tổn thương thần kinh là hậu quả của quá trình khử myelin và ức chế vitamin B12, nếu xuất hiện sau 6 tháng rất khó hồi phục.
Tâm thần: rối loạn giấc ngủ và trí nhớ; hưng phấn; xuất hiện ảo giác.
Hô hấp: ho; khó thở; thở khò khè; tức ngực; tràn khí màng phổi; suy hô hấp. Trong khi hít bóng, việc cười quá mức và liên tục có thể gây ngạt do thiếu oxy, nặng có thể gây nhồi máu phổi.
Tim mạch: đau ngực; tăng hoặc giảm huyết áp; nhịp tim nhanh; tắc mạch do huyết khối.
Tiêu hóa: buồn nôn; nôn mửa; đau bụng; chướng bụng; rối loạn tiêu hóa.
Tiết niệu: rối loạn tiểu tiện do ảnh hưởng chức năng cơ thắt
Huyết học: suy tủy; giảm bạch cầu trung tính; giảm tiểu cầu và thiếu máu nguyên bào khổng lồ.
Dị tật bẩm sinh cho thai nhi nếu người mẹ sử dụng trong thai kỳ.
Toàn trạng có thể sốt; ớn lạnh; mệt mỏi.
Các xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán hình ảnh
Xét nghiệm: Nồng độ vitamin B12 thường giảm, đặc biệt khi chưa điều trị. Tăng nồng độ homocysteine và acid methylmalonyl. Giảm nồng độ methionine. Giảm oxy máu: do N2O được khuếch tán từ máu vào phế nang.
Chẩn đoán hình ảnh: bệnh nhân ngộ độc N2O cần được chụp cộng hưởng từ MRI để phát hiện tổn thương trên tủy sống. Vị trí thường gặp đoạn tủy cổ và đặc trưng bởi dấu hiệu “chữ V ngược” trên T2W do tổn thương tập trung nhiều ở cột sau lan một phần vào cột trước tạo hình ảnh chữ V ngược.
Điện cơ: biểu hiện tổn thương mất myelin, sợi trục hoặc phối hợp.
Hình ảnh tổn thương tủy trên phim chụp cộng hưởng từ cho thấy tăng tín hiệu trên T2W, tín hiệu trung gian trên T1W, tăng tín hiệu trên STIR, không ngấm thuốc sau tiêm. Trên T2W axial thấy tổn thương tập trung chủ yếu ở cột sau lan một phần vào cột trước tạo hình ảnh chữ V ngược.
Chẩn đoán ngộ độc khí cười
Dựa vào tiền sử, bệnh sử lạm dụng N2O kéo dài thường xuyên, liên tục và các biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm như trên.
Điều trị ngộ độc khí cười
Những xử trí chính quan trọng gồm ngừng sử dụng N2O, tiêm bắp vitamin B12 và dùng methionine đường uống.
Liều dùng 1 mg/ngày vitamin B12 tiêm bắp trong 2 tuần, tiếp tục tiêm bắp 1mg/ tuần trong 4 tuần và hàng tháng đến khi hồi phục tối đa. Dùng 1g methionine (nếu có sẵn) bằng đường uống trong 2 tuần. Vitamin B12 thường dùng dạng cyanocobalamin do tính ổn định. Tiêm bắp liều 1000 microgam/ ngày trong 7- 14 ngày. Sau đó dùng liều 1000 mcg/tuần trong 4 tuần. Tái khám và nếu chưa cải thiện thì dùng liều duy trì 1000 mcg/ tháng trong 6 tháng. Trong trường hợp không bổ sung được bằng đường tiêm, có thể dùng đường uống với liều 1000- 2000 mcg/ ngày.
Trong trường hợp khẩn cấp: Duy trì đường thở thông thoáng và hỗ trợ thông khí nếu cần. Có thể cung cấp oxy lưu lượng cao trong trường hợp cần thiết. Trong vòng 24 giờ chuyển bệnh nhân đến nơi có khả năng Hồi sức tích cực và Chống độc.
Điều trị tích cực khi bệnh nhân ngạt nặng, co giật, rối loạn nhịp tim và hôn mê.
Cân nhắc dùng acid folic. Bệnh nhân có thể hết các biểu hiện ngộ độc mạn tính sau 2- 3 tháng điều trị.
Phòng tránh ngộ độc khí cười
Ở Mỹ, hiện N2O thuộc quản lý của FDA và được coi là hợp pháp khi sử dụng dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế. Tại Việt Nam, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017. Mặc dù chưa được đưa vào danh mục các chất cấm sử dụng, song trước những tổn hại về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, cần có một cơ chế kiểm soát liên ngành được đưa vào luật để đảm bảo an toàn tới sức khỏe, tính mạng của con người là trên hết.
Người viết: Thanh Hương và Bát Yêu Team (Sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Hướng dẫn: Dr. Xu Phù Tiêu