Các phương cách điều trị trầm cảm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trầm cảm là bệnh thứ 2 gây hại đến sức khoẻ con người chỉ sau tim mạch. Phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp hạn chế những nguy hiểm với cơ thể bạn. Dưới đây là một số phương cách điều trị trầm cảm, phương pháp và chỉ định chăm sóc cho căn bệnh phổ biến và nguy hiểm này.
Mọi người thường băn khoăn tự hỏi rối loạn trầm cảm có chữa được không?
Có! Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh trầm cảm sẽ vượt qua được rối loạn này và quay trở lại cuộc sống bình thường như trước. Tuy nhiên, bệnh trầm cảm có thể tái phát. Do đó, khi các triệu chứng xuất hiện trở lại, người bệnh cần được người thân đưa tới bác sĩ chuyên khoa để nhận sự hỗ trợ kịp thời và hợp lý.
Hình ảnh poster về trầm cảm & vấn đề nghiêm trọng của xã hội trên toàn thế giới
Tiên lượng điều trị bệnh trầm cảm như thế nào?
Tiên lượng trong điều trị trầm cảm tùy thuộc vào 1 số yếu tố gồm: (1) Mức độ nghiêm trọng và loại trầm cảm; (2) Trầm cảm xảy ra tạm thời hay lâu dài: (3) Trầm cảm được điều trị hoặc không được điều trị; (4) Trầm cảm xảy ra đồng thời với các rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như đang sử dụng chất gây nghiện.
Có bao nhiêu cách để điều trị trầm cảm?
Có nhiều cách điều trị trầm cảm, tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu (trò chuyện trị liệu) được thực hiện bằng cách nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu thêm về sức khỏe tinh thần, hoàn cảnh của cá nhân, khơi thông cảm xúc, cũng như tăng khả năng ứng phó với các sự kiện gây căng thẳng. Có nhiều loại tâm lý trị liệu, trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức là phổ biến nhất. Quá trình trị liệu có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm.
2. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có thể giúp thay đổi các chất hóa học trong não – yếu tố quan trọng gây ra tình trạng trầm cảm. Thuốc có thể gây tác dụng phụ nhưng thường cải thiện theo thời gian. Có thể kể đến như:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) được kê đơn thường an toàn và ít gây tác dụng phụ so với các loại thuốc chống trầm cảm khác. SSRI gồm citalopram (Celexa), escitalopram (Lexapro), fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil, Pexeva), sertraline (Zoloft) và vilazodone (Viibryd)… Tuỳ theo đặc tính dược lý, và tình trạng cơ thể, thuốc sẽ có những đáp ứng sinh lý bệnh phù hợp.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) gồm: imipramine (Tofranil), nortriptyline (Pamelor), amitriptyline, doxepin, trimipramine (Surmontil), desipramine (Norpramin) và protriptyline (Vivactil). Thuốc tuy mang lại hiệu quả nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, thuốc chống trầm cảm ba vòng thường ít được kê đơn, trừ khi người bệnh đã điều trị SSRI trước nhưng tình trạng không cải thiện. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường có thể gây ra loạn nhịp tim, hội chứng khô miệng, táo bón…
- Thuốc chống trầm cảm không điển hình
Thuốc chống trầm cảm không điển hình gồm: bupropion (Wellbutrin XL, Wellbutrin SR, Aplenzin, Forfivo XL), mirtazapine (Remeron), nefazodone, trazodone và vortioxetine (Trintellix).
- Thuốc chống trầm cảm khác
Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): tranylcypromine (Parnate), phenelzine (Nardil) và isocarboxazid (Marplan). Khi sử dụng MAOIs trong điều trị, người bệnh phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt vì thuốc có thể phản ứng với các thực phẩm như pho mát, dưa chua, rượu vang, thảo dược bổ sung. Lưu ý, những loại thuốc này không thể kết hợp với SSRI.
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs): duloxetine (Cymbalta), venlafaxine (Effexor XR), desvenlafaxine (Pristiq, Khedezla) và levomilnacipran (Fetzima).
Cơ chế tác động của các thuốc chống trầm cảm
3. Liệu pháp hành vi nhận thức
Liệu pháp hành vi nhận thức là hình thức điều trị tâm lý đã được chứng minh có hiệu quả đối với nhiều tình trạng như: trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức thường tác động đến việc thay đổi suy nghĩ, hành động, bao gồm: (1) Nhận ra những sai lệch trong suy nghĩ, sau đó đánh giá lại sự việc; (2) Hiểu rõ hơn về hành vi của bản thân và người khác; (3) Vận dụng các kỹ năng để đối phó với những tình huống khó khăn; (4) Phát triển sự tự tin; (5) Đối mặt với nỗi sợ hãi thay vì trốn tránh; (6) Học cách làm dịu tâm trạng và thư giãn cơ thể.
4. Trị liệu giữa các cá nhân
Trị liệu giữa các cá nhân là phương pháp được áp dụng để điều trị rối loạn tâm trạng, cải thiện mối quan hệ và tương tác xã hội của 1 người, nhằm xoa dịu và làm giảm những nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng.
Áp dụng điều trị trong 12 – 16 tuần, mỗi tuần 1 lần cho chứng trầm cảm nặng cấp tính.
Trị liệu giữa các cá nhân đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị cấp tính cho bệnh trầm cảm nặng ở tuổi vị thành niên và người già. Ngoài ra, phương pháp này còn được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và rối loạn lo âu.
5. Y học bổ sung và hỗ trợ
- Liệu pháp kích thích não bộ
Liệu pháp kích thích não bộ gồm: liệu pháp sốc điện, kích thích từ trường xuyên sọ, kích thích dây thần kinh phế quản (VNS). Kỹ thuật này không xâm lấn, không gây đau, tạo ra các sóng điện tử đi xuyên qua xương sọ. Các sóng này sẽ kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng, mang lại hiệu quả điều trị cao.
- Xoa bóp
Với người bệnh trầm cảm, xoa bóp có thể giúp điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng liên quan đến tình trạng này. Theo đó, xoa bóp giúp cải thiện uể oải, đau lưng, cơ, khớp, đồng thời, giảm mệt mỏi và khó ngủ.
Khi được thực hiện bởi các chuyên gia trị liệu, xoa bóp có thể mang lại sự thư giãn ngay lập tức. Vì vậy, xoa bóp được kết hợp với thuốc và liệu pháp tâm lý để điều trị trầm cảm.
Tại Việt Nam, điều trị trầm cảm chủ yếu bằng thuốc và tâm lý trị liệu. Ở một vài nước trên thế giới, còn có thể có cách trị trầm cảm bằng những liệu pháp như châm cứu, thôi miên và phản hồi sinh học.
- Châm cứu
Châm cứu là phương pháp điều trị các vấn đề về sức khỏe, bằng cách sử dụng kim thép rất mỏng đâm vào da nhằm kích thích các điểm/huyệt trên cơ thể. Mục tiêu của châm cứu là làm giảm các triệu chứng đau (đầu, cổ, cơ, lưng,…) viêm khớp, rối loạn căng thẳng lặp đi lặp lại.
Các kim thép kích thích hệ thống thần kinh trung ương và hệ miễn dịch của cơ thể nhằm: (1) Kích thích phản ứng của cơ thể với bệnh hoặc triệu chứng; (2) Cân bằng lại hoạt động cơ thể; (3) Giải phóng các chất tự nhiên, chẳng hạn như endorphin, thuốc giảm đau tự nhiên, chất dẫn truyền thần kinh, chất kiểm soát các xung thần kinh.
- Thôi miên
Liệu pháp thôi miên là 1 loại y học tâm thể có nguồn gốc từ phương pháp điều trị tâm lý học phương Tây. Người bệnh được đưa vào trạng thái thư giãn sâu và tập trung cao độ nhằm cải thiện các vấn đề về sức khỏe. Thôi miên được sử dụng trong cải thiện sức khỏe tâm thần thông thường như: (1) Căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn và hội chứng căng thẳng sau sang chấn; (2) Ám ảnh; (3) Các vấn đề kiểm soát hành vi, chẳng hạn như cai thuốc lá , giảm cân và đái dầm.
Thôi miên gồm 4 giai đoạn: cảm ứng, đào sâu, gợi ý và xuất hiện.
- Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học là phương pháp y học thay thế, hướng dẫn mọi người thay đổi cách cơ thể họ hoạt động. Đây là 1 liệu pháp tâm lý giúp cơ thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong quá trình điều trị bằng phương pháp phản hồi sinh học, bác sĩ sử dụng thiết bị và dụng cụ giám sát để đo các chức năng của cơ thể. Dựa trên kết quả từ các công cụ, bác sĩ sẽ gợi ý cách tạo ra những thay đổi sinh lý. Sử dụng phản hồi sinh học có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề, chẳng hạn như: (1) Lo lắng, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương; (2) Thiếu tập trung; (3) Các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn; (4) Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, táo bón; (5) Mất ngủ; (6) Đau đầu, đau cơ xơ hóa, khớp và cơ; (7) Đái tháo đường; (8) Động kinh; (9) Cao huyết áp.
- Âm nhạc hỗ trợ trị liệu
Là một giải pháp phù hợp với một số bệnh lý cụ thể.
Điều trị trầm cảm kéo dài bao lâu?
Thường 1 – 2 tuần khi bắt đầu dùng thuốc! Các triệu chứng có thể cải thiện trong 1 – 2 tuần. Nếu thuốc điều trị trầm cảm không có tác dụng sau thời gian này, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, tư vấn sử dụng thuốc khác. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của trầm cảm, phương pháp điều trị có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn trước khi các tình trạng dần cải thiện.
Thuốc điều trị trầm cảm có thể gây 1 số tác dụng phụ như: Buồn nôn, Nhức đầu, Lo lắng, Đổ mồ hôi, Chóng mặt, Kích động, Tăng cân, Khô miệng, Khó khăn trong hoạt động tình dục.
Những triệu chứng kể trên có thể tồn tại trong thời gian ngắn, tham khảo ý kiến của bác sĩ để sớm cải thiện tình trạng này. Khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm, người bệnh nên chú ý những điều sau:
- Không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc.
Các yếu tố liên quan tới trầm cảm?
Trầm cảm phổ biến ở thanh thiếu niên từ 20 – 30 tuổi. Trong đó, phụ nữ được chẩn đoán mắc trầm cảm cao hơn nam giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm bao gồm:
- Các đặc điểm về tính cách: lòng tự trọng thấp hoặc quá cao, người bi quan,…
- Căng thẳng trong cuộc sống: bị lạm dụng thể chất, vấn đề tài chính,…
- Người thân trong gia đình có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hoặc tự tử.
- Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần: rối loạn lo âu, ăn uống hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích.
- Bệnh nghiêm trọng hoặc mạn tính: ung thư, đột quỵ, tim mạch,…
- Thuốc ngủ, cao huyết áp.
Chăm sóc sau điều trị trầm cảm và cải thiện
Người bệnh trầm cảm nên thực hiện các bước chăm sóc sau để giúp tình trạng sớm cải thiện:
- Tuân thủ phác đồ và không bỏ dở việc điều trị.
- Tìm hiểu về bệnh trầm cảm.
- Không bỏ qua các triệu chứng gây bệnh: đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Không uống rượu và sử dụng chất kích thích: rượu và chất kích thích làm trầm trọng thêm các triệu chứng, khiến trầm cảm khó điều trị hơn.
- Chăm sóc bản thân: ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc. Cân nhắc đi bộ, luyện tập thể thao, bơi lội, làm vườn hoặc các hoạt động khác mà bản thân yêu thích.
Phòng ngừa trầm cảm như thế nào?
Không có cách nào chắc chắn để ngăn bản thân bị trầm cảm. Tuy nhiên, những cách sau đây có thể giúp ngừa trầm cảm:
- Kiểm soát căng thẳng.
- Liên hệ gia đình và bạn bè giúp đỡ, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng để sớm vượt qua những giai đoạn khó khăn.
- Điều trị ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh nhằm ngăn trầm cảm tiến triển nặng.
- Tái khám định kỳ và duy trì điều trị lâu dài để ngừa các triệu chứng tái phát.
Những câu hỏi thường gặp về điều trị trầm cảm?
1. Trầm cảm có tái phát không?
Có! Bệnh trầm cảm sau khi được chữa khỏi vẫn có nguy cơ tái phát 1 hoặc nhiều lần. Theo đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại sau khoảng 4 tháng điều trị thành công. Tỷ lệ tái phát phụ thuộc vào số lần người bệnh bị trầm cảm, cụ thể: Người trầm cảm lần đầu: có 50% nguy cơ tái phát. Người trầm cảm lần thứ 2: có 70% nguy cơ tái phát. Người mắc bệnh lần thứ 3: tỷ lệ tái phát cao rõ rệt, lên đến 90%.
2. Điều trị trầm cảm ở đâu?
Phần lớn, trầm cảm được điều trị ngoại trú. Dù người bệnh điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu hoặc phối hợp cả 2 phương pháp cùng lúc. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, người bệnh không nên xem nhẹ hay bỏ mặc cơ thể mà cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được khám, đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thiên Lương (ST)
PHÒNG KHÁM THUẬN ĐỨC
THUAN DUC HEALTH SCIENCE CENTER
Lương Y Nguyễn Thị Thanh
Khoẻ Vui Hạnh phúc hơn cho mọi người!
Trụ sở chính: Lý Văn, Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương
Cơ sở 2: Khu đô thị Âu Việt, Phía Tây cầu Phú Lương, TP. Hải Dương
Cơ sở 3: Số 28 BT2, Khu đô thị Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội (VPĐD)
Điện thoại: 0912528800; 0912808800
Hotline: 0906008806
Website: www.phongkhamthuanduc.vn
(Quý vị truy cập vào website để đặt lịch khám hẹn trước)